Cây trồng chính ở Bảo Lộc

Bảo Lộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới biến thiên theo độ cao nên khí hậu ôn hòa, phù hợp với việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Khí hậu và đất đai tại Bảo Lộc rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày

Bảo Lộc nằm trên luồng giao thông trao đổi hàng hoá giữa các vùng kinh tế trong tỉnh và giữa Lâm Đồng với miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là điều kiện thuận lợi để Bảo Lộc phát triển nhanh kinh tế hàng hoá, tiếp nhận nhanh những tiến bộ khoa học – công nghệ.

Khác với Đà Lạt, Bảo Lộc được khai thác mạnh về nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều nông trang, đồn điền đã được các tập đoàn người Pháp lập nên từ những năm 1930 -1940 để trồng chè, cà phê,… Về sau, nhân dân phát triển trồng cây dâu tằm, cây ăn quả.

1. Cây chè

Cây chè có một lịch sử khá lâu đời tại Bảo Lộc (trên 50 năm) đã khẳng định ưu thế tuyệt đối mặc dù có những bước thăng trầm nhất định do nhiều yếu tố khác nhau. Cho đến nay, cây chè Bảo Lộc vẫn tiếp tục phát triển về diện tích và sản lượng. Năm 1999, Bảo Lộc có 8.743ha chè với sản lượng 45.311 tấn chè búp tươi, trong đó khu vực quốc doanh đã chiếm gần 20% diện tích và 70% công suất chế biến. Ở Bảo Lộc đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá cao, gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cây chè gần như chiếm vị trí độc quyền ở các tỉnh phía Nam. Thị trường xuất khẩu chè được tiếp tục mở sang các nước Cộng hoà Liên bang Nga, Pháp, châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ, Xin-ga-po, Hồng Công, Đài Loan, Ả Rập,…

2. Cà phê

Cà phê: Bảo Lộc có 6.144ha cà phê với sản lượng 8.478 tấn cà phê nhân, giữ vị trí thứ 4 sau Di Linh, Lâm Hà và Bảo Lâm. Đây là cây có giá trị xuất khẩu cao, rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Bảo Lộc.

3. Cây dâu

Cây dâu: Bảo Lộc là địa phương có điều kiện để đưa ngành dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô lớn, khép kín từ khâu nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa. Hiệân nay được sự đầu tư của Trung ương và địa phương, Liên hiệp Dâu tằm tơ Việt Nam là trung tâm thu hút vốn đầu tư kỹ thuật đã hình thành hệ thống công nghiệp cũng như kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Những năm gần đây, do thị trường thế giới biến động mạnh, diện tích trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc đã giảm sút đáng kể, từ 5.820 tấn lá dâu năm 1995 sụt xuống còn 3.483 tấn  năm 1999.

4. Cây ăn quả

Cây ăn quả cũng rất thích hợp và đem lại hiệu quả cao nhờ có đặc điểm là cho sản phẩm trái mùa với các tỉnh phía Nam. Đó là sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, bơ,…

Công nghiệp chế biến chè được hình thành và phát triển trên địa bàn Bảo Lộc từ những năm 30 của thế kỷ XX cùng với sự khám phá và khai thác cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc của người Pháp, ngày nay đã trở thành một nền kinh tế quan trọng không chỉ riêng đối với Bảo Lộc mà đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực phía Nam. Các nhà máy chè: 19-5, 1-5, 26-3, 28-3, Hà Giang, Minh Rồng, Chè xanh I và II,… đã nói lên thế mạnh về công nghiệp chế biến chè ở Bảo Lộc. Bên cạnh các nhà máy quốc doanh còn có hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân cũng đã hoạt động hết sức sôi động.

 

Nguồn tham khảo: https://lamdong.gov.vn/sites/baoloc/gioithieu/SitePages/dieu-kien-tu-nhien.aspx